Cù Gia Bảo
Bạn Cù Gia Bảo, Khóa 10-2015 học tại trung tâm Nhật ngữ JASSO – Osaka. Ngay sau khi tốt nghiệp lớp 12 tại trường Phổ thông năng khiếu TpHCM, Bảo đã học khóa tiếng Nhật 1 năm rưỡi tại trung tâm JASSO và đậu được vào ĐH công lập Toyohashi, một trong TOP-20 trường DH tại Nhật Bản trong lĩnh vực Công nghệ.
Lễ nhập học tại ĐH công nghệ Toyohashi:
Chia sẽ kinh nghiệm học luyện thi EJU
Trình độ của kỳ thi EJU
- Tiếng nhật: khoảng N2/N1 ( N1 thường là về sinh hoạt trong cuộc sống, EJU nghiên về học thuật, chủ đề trải dài từ chính trị, khoa học tới giáo duc, tư tưởng) và còn cả phần viết ( N1 thì không )
- Toán: bài thi khối xã hội cỡ hết năm lớp 11 bên mình
bài thi khối tự nhiên hết năm lớp 12 bên mình
- Môn Xã hội: kiến thức rất rộng (nhật bản + thế giới về chính trị, kinh tế, địa lý, lịch sử )
- Môn Tự nhiên (gồm Lý – Hóa – Sinh): hết năm lớp 12
Cách luyện thi:
Tiếng nhật:
Vì đề EJU trình độ N1 và có rất nhiều từ ngữ chuyên môn nên phải đạt ít nhất trình độ N3 ( nếu tốt là ở N2 ) mình bắt đầu luyện đề EJU thì sẽ tương đối ổn.
Về ngữ pháp và từ vựng thì chỉ cần ở N2 là được, sau đó mình bắt đầu làm đề EJU và mình sẽ học ngay trên đề ( từ nào không biết thì tra, không cần chép sổ, vì có một số từ rất ít gặp, còn những từ hay xuất hiện thì chỉ cần tra vài lần là tự động nhớ; cố gắng làm đề sớm đề quen và học được những thuật ngữ )
Về phần đọc: thời gian rất ngắn ( 1 câu cỡ hơn nửa tờ A4 và phải đọc tất cả trong vòng 90s ), những năm gần đây đề thi không còn theo hướng kiếm từ khóa, đọc vài chỗ là ra đáp án nữa; đề thi khuynh hướng là phải đọc hiểu cả bài. Thế nên phải đọc thật nhanh, hiểu toàn bộ, nhớ chính xác để có thể cho một đáp án đúng. Cần phải đọc nhiều và lúc bắt đầu đọc, không cần đọc nhanh nhưng phải hiểu cả bài. Càng ngày càng tăng tốc độ lên, đa dạng hóa chủ đề và khi đã đạt được tới mức chỉ cần đọc câu trước biết câu sau tác giả nói gì, đọc câu đầu câu cuối hiểu cả đoạn là ok.
Về phần nghe: nghe có 2 phần nghe hiểu và nghe đọc hiểu. Nghe hiểu là nghe cả bài, nghe cả câu hỏi, 4 đáp án và chọn. Nghe đọc hiểu thì khó hơn, có cả phần đọc ( 4 đáp án, thường viết dưới dạng biểu đồ, hình, … ) vì thế mình vừa nghe vừa phải đọc. Kinh nghiệm là cứ luyện mỗi ngày.
Bên cạnh làm đề, để tăng khả năng đọc – nghe cũng có thể mua báo nhật và nghe radio ( cho sinh động, thực tế và đỡ chán )
Về phần viết: chọn 1 trong 2 chủ đề viết 400 -> 500 chữ trong vòng 30’. Phần viết này mỗi tuần canh đồng hồ viết khoảng hai bài và nhờ giáo viên sửa là được.
Toán + lý + hóa:
Bên nhật không xài máy tính khi đi thi nên đề EJU thường đòi hỏi phải nắm thật chắc lý thuyết ( đặc biệt là hóa, đề thi thường tới 70% là các câu hỏi lý thuyết ). Sau khi đã nắm được cơ bản kiến thức cấp 3 thì nên giải đề càng sớm càng tốt ( vừa làm đề, vừa học từ vựng, vừa làm quen với dạng đề ) và nên mua cả bộ sách giáo khoa của nhật ( phần lý thuyết nào không nhớ thì lật sách ra coi cho quen tiếng nhật )